Câu chuyện Hồng Kông - Tôi là Hà Quốc Vinh
Tôi là Quốc Vinh. Tôi đến từ Queensland - Úc. Khi còn học Trung học tôi đạt điểm rất cao, với điểm số này thì tôi có thể đăng ký vào bất kỳ trường Đại học nào tại Úc. Lúc ấy, tôi hy vọng rằng mình có thể trở thành bác sĩ, vì có thể giúp ích cho người khác. Tôi được nhận vào Đại học New South Wales và theo học ngành Y.
Năm đầu tiên tôi sống tại nhà một người bạn ở Bắc Sydney. Sau đó, chuyển đến ký túc xá quốc tế của trường đại học vào năm thứ hai, ký túc xá quy định ít nhất một nửa số sinh viên là sinh viên quốc tế - không phải người Úc. Những năm tháng ấy, tôi đã gặp rất nhiều người bạn đến từ Hồng Kông, Singapore, Malaysia và rất thân với họ.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là sau khi chuyển vào ký túc xá, tôi đã được nghe những ca khúc nổi tiếng của Hồng Kông
Một ngày nọ, khi tôi đang đi bộ qua hành lang, tôi nghe thấy một bản nhạc vô cùng êm tai. Tôi hỏi bạn ấy đó là bài hát gì và có thể cho tôi mượn để thưởng thức không, và bạn ấy đã cho tôi mượn. Tôi đã quên mất đó là bài hát của Leslie hay Alan, nhưng chắc chắn là ca khúc của họ. Vì rất thích những bài hát này nên tôi đã tìm mua ở khu Chinatown. Sau này, tôi vừa nghe và vừa xem lời bài hát, nên dần dần tôi đã học được rất nhiều chữ Hán.
Bởi vì yêu ca hát, tôi bắt đầu hát các ca khúc tiếng Quảng trong các hoạt động ở trường đại học. Tôi cũng đăng ký tham gia cuộc thi hát do Hội sinh viên Hồng Kông tổ chức, bài hát dự thi là "愛的根源", và tôi đã giành được giải Á quân.
Tôi nhớ rõ rằng ký túc xá quốc tế thường có các hoạt động trao đổi văn hóa - được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần, với hy vọng rằng các sinh viên thuộc các chủng tộc khác nhau có thể biểu diễn và chia sẻ văn hóa.
Năm 1985, ca khúc Monica của Leslie giành được rất nhiều giải thưởng. Đó cũng là bài hát mà tôi rất thích nên tôi đã chọn hát Monica trong bữa tiệc giao lưu văn hóa. Lúc đó, các bạn cùng lớp của tôi vô cùng ngạc nhiên, làm sao tôi có thể hát được Monica. Tôi đã theo dõi đoạn video để học các bước nhảy và cách Leslie hát. Tiếp tục luyện tập ở những nơi trong khuôn viên trường, những bạn học khác thấy tôi luyện tập rất chăm chỉ, cũng đến giúp đỡ tôi. Một số bạn cùng lớp còn giúp tôi nhảy phụ họa trên sân khấu tại buổi biểu diễn hôm đó. Tiết mục của tôi rất thành công.
Cái tên "Hà Quốc Vinh" thực ra là do các bạn người Hồng Kông ở trường đại học dịch sang cho tôi từ màn biểu diễn Monica này. Tên thật của tôi là Gregory Charles Rivers, họ đã lấy họ Rivers dịch sang thành họ Hà (河) và Quốc Vinh (國榮) được lấy từ tên thần tượng của tôi.
Cùng năm, Leslie cùng các thiên hoàng cự tinh của Hồng Kông đến Úc để tham gia buổi hòa nhạc. Công ty chủ trì của buổi hòa nhạc cần tìm một tình nguyện viên làm tài xế. Bạn tôi hỏi - liệu tôi có thể làm tài xế tình nguyện không. Tôi đồng ý, và cơ duyên cho tôi làm tài xế của Leslie.
(Hà Quốc Vinh tại tang lễ Trương Quốc Vinh, đưa thần tượng trên chuyến xe cuối cùng)
Một ngày nọ, Leslie có khoảng thời gian nghỉ ngơi không cần diễn tập nên chúng tôi lái xe đến Canberra. Hôm đó trời nhiều mây, có mưa nhẹ và tôi không thể nhìn rõ bất cứ thứ gì. Chuyến trở về do Leslie lái, tiếng Anh của anh ấy rất tốt, chúng tôi nói chuyện vui vẻ suốt quãng đường. Chuyến đi này với tôi mà nói là một kỷ niệm mà tôi luôn trân trọng.
Khi Alan đến Úc vào năm 1986, tôi lại trở thành tài xế của anh ấy. Tại khách sạn nơi anh ấy ở, đứng trước thần tượng, không hiểu sao tôi lại bị người giới thiệu tên tôi thành Hà Vịnh Lân. Lúc đó, tôi không biết phải giải thích thế nào. Trong khoảng hai năm, nhiều người nghĩ tôi là Hà Vịnh Lân.
Bốn ca sĩ nữ hòa âm của Alan biết rằng tôi có thể hát các ca khúc của Alan, vì vậy họ đã đề nghị với Alan rằng vào ngày tổng duyệt có thể cho tôi cùng hát chung trên sân khấu.
Gặp gỡ hai siêu sao Leslie và Alan, có ảnh hưởng vô cùng lớn đến cuộc đời tôi
Tôi dần rất coi trọng việc ca hát, hay đến khu Chinatown và ca hát nghêu ngao, không chịu khó học hành nên tôi đã trượt kỳ kiểm tra vào năm thứ ba đại học và phải học lại. Sau ba tháng học lại, tôi quyết định bỏ học.
Tôi bắt đầu dành dụm tiền, nuôi ước mơ đến Hồng Kông
Tôi làm công việc rửa chén, làm cả thợ nề. Sau hơn một năm làm việc, tôi lấy tiền dành dụm, mua vé một chiều và mang theo một ngàn đô la Úc, bay đến Hồng Kông.
Tôi chẳng hề chuẩn bị gì cả, tôi chỉ hỏi bạn mình, có thể cho tôi ở nhờ nhà khi đến Hồng Kông hay không - Cha của bạn tôi miễn cưỡng đồng ý,tôi cũng phụ giúp trả tiền thuê nhà. Ngoài điều này ra tôi chẳng hề có bất kỳ sự chuẩn bị nào khác. Tôi cố tình mua vé một chiều vì không muốn khi gặp phải khó khăn thoái chí, phải quay trở lại Úc.
Khi tôi mới đến Hong Kong, tôi cái gì cũng không biết, không có kế hoạch và không có bạn bè. Tôi sống trên đường Broadcast Drive, nhưng bạn tôi thì không ở đây, vì phải ở lại Úc tiếp tục học.
Mới đến, không có việc gì làm nên tôi thường ra ngoài đi dạo, một hôm vô tình đi đến Hồng Khám (紅磡) Coliseum, bốn người đàn ông ngồi ngoài cổng đang hút thuốc, họ gọi tôi "Hà Vịnh Lân". Hóa ra họ là thành viên ban nhạc của Alan, chúng tôi gặp nhau năm 1986, nhưng sau một năm, họ vẫn còn nhớ đến tôi, đây có lẽ là định mệnh. Lúc đó, Alan đang tổng duyệt cho concert, và họ đưa tôi vào trong để tôi có thể gặp lại Alan.
Năm 1987, Alan tổ chức rất nhiều concert, còn nơi tôi ở quy định 10h30 tối đóng cửa và không ai được ra vào. Nhưng concert sẽ không kết thúc sớm như vậy. Vì thế mỗi đêm khi concert của Alan kết thúc, tôi về lại đường Broadcast Drive, chợp mắt ngoài ghế đá công viên, đợi đến 5 giờ sáng khi nơi tôi ở mở cửa.
Một lần Alan đột nhiên hỏi tôi liệu tôi có thể lên sân khấu hát tối nay không, tôi nói tất nhiên là tôi có thể. Tôi rất vui khi được biểu diễn cùng Alan lần đầu tiên.
Nhưng lần thứ hai Alan giới thiệu tôi trên sân khấu: "Có một người nước ngoài hát ca khúc của tôi rất hay". Khi Alan gọi tôi xuất hiện, tôi lại không có mặt vì mệt sau những lần ngủ ngoài công viên.
Lần sau, Alan hỏi tại sao tôi không xuất hiện, tôi giải thích lý do cho anh ấy nghe và Alan đã sắp xếp cho tôi ở trong một khách sạn khi buổi biểu diễn kết thúc.
Lần thứ ba, Alan gọi tôi lên sân khấu, tôi trở thành khách mời và hát ca khúc "朋友" cùng anh ấy. Tôi thực sự rất phấn khích. Alan cũng mời tôi đến bữa tiệc sinh nhật của anh ấy vào tháng 8. Thực tế, mọi thứ xảy ra đều liên quan đến nhau.
Sau này tôi thuê một căn phòng nhỏ tại tòa nhà Kiều Quan, Bắc Giác
Một lần đi từ Bắc Giác đến Trung Hoàn, tôi nhìn thấy bảng tin tuyển dụng của một công ty việc làm, tôi đã đến nộp hồ sơ. Khi đó, tôi biết công ty đang cần giáo viên dạy tiếng Anh nhưng tôi không phải là giáo viên, người tuyển dụng nói không có vấn đề gì nên tôi đã đến trường dạy bổ túc. Sau khi làm việc tại trường được vài tháng, một đồng nghiệp nhìn thấy tờ áp phích của đài truyền hình TVB đang cần tuyển một người phương Tây, với điều kiện phải nói được tiếng Quảng.
Tôi đã gọi điện để nộp đơn, và cho họ biết rằng tôi không có kinh nghiệm diễn xuất và tiếng Quảng Đông không được tốt lắm, người đó nói rằng không có vấn đề gì. Tôi được hẹn đến gặp một nữ giám chế của đài - là Tăng Lệ Trân (曾勵珍), cô ấy đưa cho tôi một kịch bản tiếng Anh và yêu cầu tôi đọc nó. Vì rất căng thẳng nên tôi không thể phát ra tiếng nào trong năm phút. Tôi tự nhủ rằng nếu lúc này đây tôi không cố gắng thì thật là sự sỉ nhục trong đời.
Trong kịch bản là cuộc đối thoại giữa viên cảnh sát đổ lỗi cho cấp dưới của mình. Đổ lỗi thì phải lớn tiếng. Vì vậy, tôi đã la lên. Lúc này, cô ấy đang làm việc riêng của mình, không chú ý đến tôi nữa. Nhưng tiếng la của tôi khiến cô ấy giật mình. Bởi vì không có người nước ngoài nào khác cho cô ấy lựa chọn, cô ấy miễn cưỡng thuê tôi. Từ đó, tôi bắt đầu làm việc tại đài truyền hình TVB trong 20 năm.
Vào tháng 9 năm 2014, tôi là khách mời trong một chương trình âm nhạc ở Now TV. Trong một phòng nhạc, tôi và ba người dẫn chương trình, hát và nói về âm nhạc. Chỉ gần đây tôi mới biết rằng ba người trong số họ là ông chủ tạp chí 100毛 .
Đến Giáng sinh, 100毛 mời tôi chụp bìa tạp chí, không hiểu sao lại mời tôi nữa, hóa ra sếp biết tôi mà chính tôi thì không biết họ.
Vào tháng 8 năm 2015. Có một chương trình mời tôi hát. Tôi quen thuộc với bài hát đó. Lời bài hát rất thông dụng và tôi có thể học được. Nhưng hôm đó là thứ sáu, còn buổi biểu diễn vào chủ nhật, chỉ mất hai ngày để chuẩn bị nên tôi đã tập luyện rất chăm chỉ. Có một màn hình TV trên sân khấu để tôi có thể xem lời bài hát, nhưng tôi cố gắng tránh xem màn hình TV, tôi chỉ xem nó khi tôi cần, vì vậy tôi có thể hát một cách tự tin. Tôi rất vui khi được đứng trên sân khấu, được nhập vai và hát một bài hát ngọt ngào. Không ngờ khán giả rất sôi động và thích thú, quả là hiếm có.
Tôi biết rằng đời người chỉ có một lần, đây không phải là điều tôi có thể tự làm, nhưng họ cho tôi cơ hội. Bài hát đó rất nổi tiếng và có mặt trên các bảng xếp hạng nhạc pop. Họ liên lạc với tôi trước Giáng sinh và nói rằng một cuộc tổng bình chọn sẽ được tổ chức, và hỏi tôi có tham gia không, tôi sẵn sàng đồng ý.
Vào ngày hôm đó, mỗi người biểu diễn sẽ có hai bài hát. Tôi nhận được một bài hát mới vào ngày 26 tháng 12. Tôi chưa bao giờ nghe bài hát đó, đó là một bài hát rap và lời rất lạ. Điều đó rất khó đối với tôi. Vì vậy tôi đã luyện tập rất nhiều, hát đến hơn 400 lần.
Buổi biểu diễn của đêm được phát trực tiếp trên Now TV và được 700.000 người theo dõi. Tôi không ngờ rằng mình sẽ giành được Giải thưởng Nam ca sĩ được yêu thích nhất Hồng Kông.
Khi tên của tôi được công bố, tôi vô cùng hạnh phúc, không ai có thể nghĩ rằng một người phương Tây hát một bài hát Hồng Kông thực thụ lại có thể khiến người khác cảm động.
Bởi vì bài hát đó không phải do tôi chọn, nó đã được người khác đưa cho tôi. Khi tập bài hát này, mắt tôi thường rưng rưng và xúc động. Người phương Tây rất khó phát triển sự nghiệp biểu diễn nghệ thuật ở Hồng Kông. Không có nhiều cơ hội, chỉ để đóng một số vai trò không quan trọng. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc.
Người Hồng Kông trong tâm trí của tôi chính là làm những gì người Hồng Kông làm, ăn những món mà người Hồng Kông ăn, quan tâm đến Hồng Kông và đừng nhìn màu da. Tôi hy vọng những người như tôi có thể nói tiếng Quảng Đông. Điều quan trọng nhất là cảm thấy Hồng Kông là quê hương của mình. Đây thật sự mới chính là người Hồng Kông.
Hà Quốc Vinh nói rằng cuộc đời của anh giống như một chiếc tàu lượn, có những thăng trầm. Trải qua vô số nỗi thất vọng, nhưng anh chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc, vì anh tin rằng Chúa sẽ không phụ lòng những ai kiên định với ước mơ của mình.
Anh ấy nói, dù có mất tất cả thì cũng đừng đánh mất nụ cười!
Tác quyền bài viết thuộc về TVB - Một thời để nhớ, trực thuộc Be Ready Education Australia. Không được sao chép khi chưa được thông qua.