黃家駒 Huỳnh Gia Câu (BEYOND) - Năm tháng huy hoàng
Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng nhạc đàn Hồng Kông, vị thế của Beyond vẫn không thể nào suy chuyển, và ca sĩ chính kiêm linh hồn của ban nhạc, Huỳnh Gia Câu, đã trở thành một huyền thoại.
Trong những năm qua, có vô số người mới xuất hiện, và những ca khúc tẩy não lần lượt ra đời nối tiếp nhau, nhưng dù thời thế có thay đổi thế nào đi chăng nữa, các bài hát của Beyond vẫn được hát.
"Trời cao biển rộng", "Thật sự yêu mẹ", "Thích em", "Đại địa",...Mặc dù không còn ở thế chủ đạo, nhưng khi một ngày tình cờ bạn đi vào con hẻm nào đó, đột nhiên nghe những giai điệu quen thuộc này, dù cho bao nhiêu cái 10 năm trôi qua, vẫn thân thương, xoáy thẳng vào tâm hồn chúng ta.
Đây là "mị lực" của Beyond, anh ấy là Huỳnh Gia Câu, người đời chưa bao giờ thôi hâm mộ và nhớ nhung anh ấy
Vào ngày 24 tháng 06 năm 1993, ban nhạc Beyond, lúc ấy đang phát triển ở Nhật Bản, được mời tham gia một chương trình giải trí trên Fuji TV.
Trong lúc chơi game, do sàn của sân khấu bị lỏng nên Huỳnh Gia Câu đã rơi xuống từ độ cao 3 mét, anh ấy bị đập trúng đầu và được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.
Sau 6 ngày cứu chữa, cuối cùng Huỳnh Gia Câu vĩnh viễn không thể tỉnh lại, người hâm mộ từ khắp nơi đổ xô đến bệnh viện, không nỡ rời xa.
Trong 6 ngày đó, gia đình và bạn bè liên tục đến bên anh, cố gắng đánh thức ý thức của anh ấy thông qua trò chuyện; người hâm mộ ngồi xổm trong cửa hàng tiện lợi trước bệnh viện, xếp hàng nghìn con hạc giấy để cầu nguyện cho anh. Nhưng...điều kỳ diệu đã không xảy ra
Huỳnh Gia Câu qua đời vào lúc 4:15 chiều ngày 30 tháng 6 năm 1993 do chấn thương sọ não.
Huỳnh Gia Câu, ra đi khi mới 31 tuổi, đang ở thời kỳ cực thịnh
Nếu không có tai nạn năm đó, tài năng âm nhạc của anh ấy chắc chắn sẽ khiến nhạc Rock khai phóng, ảnh hưởng của anh ấy đối với nền âm nhạc Hồng Kông là vô cùng lớn.
La Đại Hựu, "Bố già" của nền âm nhạc Trung Hoa từng nói: "Không có nhạc sĩ nào thực thụ ở Hồng Kông, ngoại trừ Huỳnh Gia Câu. Việc một người như vậy đến với thế giới đã là kỳ tích. Thượng đế sẽ không gửi thiên thần âm nhạc khác đến thế giới nữa".
Cuộc đời của Huỳnh Gia Câu tuy ngắn ngủi nhưng rất vinh quang, trong mắt người thường, ngôi sao đình đám như vậy ắt hẳn phải kiếm được nhiều tiền.
Nhưng Huỳnh Gia Câu khi qua đời cũng không để lại nhiều tài sản.
Như chúng ta đã biết, Huỳnh Gia Câu là nhân vật cốt lõi của ban nhạc Beyond. Anh đóng góp nhiều sáng tác nhất. Anh ấy luôn làm việc chăm chỉ với nguồn cảm hứng bất tận. Phần lớn thu nhập của ban nhạc tất nhiên thuộc về Huỳnh Gia Câu.
Tuy nhiên, Huỳnh Gia Câu luôn nhấn mạnh việc chia đều thu nhập để ban nhạc phát triển bền vững. Phần lớn thu nhập của mình, Gia Câu chi cho việc bảo trì và đầu tư nhạc cụ. Đây là chi phí khá lớn.
Ngoài tình yêu âm nhạc, sở thích khác của Gia Câu là làm phúc lợi công ích
Anh ấy là một người rất tốt bụng và luôn cố gắng hết mình để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Anh thường tổ chức các buổi biểu diễn từ thiện và quyên góp tất cả số tiền kiếm được. Có thể thấy được tấm lòng nhân ái của Huỳnh Gia Câu.
Một người với tình yêu lớn lao như vậy sẽ không quan tâm đến việc mình có bao nhiêu tiền tiết kiệm.
Vì vậy, khi Huỳnh Gia Câu qua đời, có báo cáo rằng anh chỉ có vài chục nghìn đô la trong tài khoản ngân hàng của mình.
Tài sản lớn nhất của Huỳnh Gia Câu đến từ việc bồi thường của Đài truyền hình Fuji Nhật Bản, theo thống kê, đó là khoảng 70 triệu đô la Hồng Kông sau khi qui đổi tỷ giá. Cha mẹ của Huỳnh Gia Câu chỉ lấy 10 triệu đô la Hồng Kông. 60 triệu còn lại được chia cho các người con và em trai Huỳnh Gia Cường được hưởng phần nhiều hơn một chút.
Ai nghe xong cũng đều thấy xót xa, Huỳnh Gia Câu xứng đáng là huyền thoại của một thời đại. Dù các sáng tác hay chính con người Gia Câu đều xứng đáng với lòng yêu thương, ngưỡng mộ từ chúng ta.
Nhà văn Vương Tiểu Phong từng nói: "Ở Hong Kong, Beyond là dị loại, và sự xuất hiện của Huỳnh Gia Câu càng khó tin hơn"
Đây là cách giải thích tốt nhất về cuộc đời rực rỡ của Huỳnh Gia Câu.
Anh ấy trong sáng, hoàn toàn vì âm nhạc. Kể từ khi nhặt được cây đàn của người hàng xóm năm 17 tuổi, anh ấy đã tập trung hoàn toàn vào âm nhạc. Khi bị nghệ sĩ guitar của ban nhạc mà anh ấy tham gia trước đó cười nhạo rằng: "Cậu sẽ không bao giờ có thể chơi tốt được", anh ấy không nói gì, im lặng quay lại luyện tập mỗi ngày.
Gia Cường cho biết: "anh Gia Câu tiến bộ rất nhanh từng ngày", Huỳnh Quán Trung cũng nói: "Tôi nghĩ rằng tôi đã đủ điên để luyện tập lâu như vậy mỗi ngày. Tôi không nghĩ có một người khác còn điên hơn tôi, đó là anh Huỳnh Gia Câu."
Trong ban nhạc, mọi người đều lắng nghe anh ấy, nhưng anh ấy chưa bao giờ đặt mình vào vị trí trung tâm. Huỳnh Quán Trung chia sẻ, "Tôi thực sự muốn cảm ơn Gia Câu. Anh ấy thực sự là ông chủ của chúng tôi, nhưng anh ấy không thích chúng tôi gọi như thế. Anh ấy nghĩ rằng mọi người trong một ban nhạc đều có địa vị như nhau, âm nhạc của Gia Câu, tinh thần ấy thật sự đáng học hỏi."
Anh ấy tập trung vào việc tạo ra âm nhạc không phải để nổi tiếng hay có nhiều tiền. Thế nên, anh ấy sẽ thẳng thừng với người hâm mộ tại concert: "Các bạn hét to quá, các bạn có nghe thấy tôi đang hát gì không?" Anh ấy không ngừng hy vọng rằng các fan có thể bình tĩnh và nghe nhạc thay vì chỉ nhiệt tình phản ứng. Anh không bao giờ cố tình làm hài lòng bất cứ ai.
Huỳnh Gia Câu rất tập trung trong công việc, nhưng ngoài đời anh ấy có thể rất nghịch ngợm và nói rất nhiều. Chính anh đã tạo ra nhiều bài hát tươi mới trong trí nhớ của chúng tôi như: 再见理想, 海阔天空, 光辉岁月, 长城,...Giọng hát đầy nội lực và mạnh mẽ của anh ấy rất dễ gây nghiện.
"Về cơ bản, sẽ không có Beyond nếu không có Gia Câu"
Nói nhiều, bướng bỉnh, lập trường vững vàng, tài năng lãnh đạo và sức thuyết phục, đó là tất cả những ấn tượng về Gia Câu. Anh ấy rất bình tĩnh, thành tích âm nhạc của anh ấy nhiều đến nỗi tôi chẳng thể kể hết ở đây được. Chỉ có thể dùng hai chữ: "Huyền thoại".
Kể từ khi Huỳnh Gia Câu qua đời, lý do tai nạn của anh ấy đã trở thành một bí ẩn muôn thuở.
Vì lúc đó có rất nhiều người tham gia chương trình giải trí và khi tai nạn xảy ra, Huỳnh Gia Câu và người dẫn chương trình đều bị ngã khỏi sân khấu. Tuy nhiên, chỉ có Huỳnh Gia Câu bị thương nặng, người dẫn chương trình Mitsuyoshi Uchimura bị ngã cùng nhưng có đội mũ bảo hiểm trước đó và chỉ bị thương nhẹ. Người ta phỏng đoán do các sáng tác của anh có sức lan tỏa quá mạnh mẽ, nói về tình yêu gia đình, đất nước, chiến tranh hoặc các vấn đề nhức nhối trong xã hội khác quá chân thật thông qua ca từ...cho nên chữ "Tài" thường đi với chữ "Tai".
Sau này, mỗi khi Huỳnh Gia Cường - em trai Huỳnh Gia Câu hát đến câu trong "Trời cao biển rộng": "Nếu có một ngày tôi vấp ngã", anh ấy đều khóc thành tiếng.
Huỳnh Quán Trung thì không dám bước vào phòng tập của Gia Câu. Bởi vì bất cứ khi nào bạn bước vào phòng tập đó, đều sẽ nhìn thấy chiếc gạt tàn và cây đàn cũ của Gia Câu để lại. Và Diệp Thế Vinh, mỗi khi nhắc đến Gia Câu trong các cuộc phỏng vấn, mắt anh ấy đều rưng rưng đẫm lệ.
Cái chết không phải sự kết thúc, mà là sự lãng quên. Huỳnh Gia Câu, anh ấy dường như chưa bao giờ rời đi, mọi người vẫn chưa quên anh, và thời gian cũng chưa bao giờ phong ấn anh.
Thời gian trôi qua, anh và những năm tháng huy hoàng sẽ tồn tại mãi mãi.
Gia Câu à, không biết anh trông như thế nào ở tuổi 59?
Tác quyền bài viết thuộc về TVB - Một thời để nhớ, trực thuộc Be Ready Education Australia. Không được sao chép khi chưa được thông qua.